Lãi thuần, lãi ròng và lãi gộp là các thuật ngữ thường xuyên được đề cập tới trong các báo cáo tài chính, thống kê tình hình kinh doanh của công ty hay trên các bài báo kinh tế. Vậy lãi gộp là gì và mối liên hệ, tầm ảnh hưởng của nó tới doanh nghiệp như thế nào?
1. Tổng quan về lãi gộp
Lợi nhuận gộp hay gọi tắt là lãi gộp (tiếng anh gọi là Gross Profit) chính là khoản tiền lời doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh doanh thu về được sau một khoảng thời gian kinh doanh sau khi đã trừ đi các khoản chi phí phải trả từ tổng số doanh thu thực tế. Nói một cách đơn giản dễ hiểu, thì lợi nhuận gộp là mức chênh lệch giữa doanh thu và chi phí liên quan (vốn mua hàng với công ty nhập hàng về bán lại hoặc chi phí sản xuất nếu là công ty sản xuất hàng hóa). Tính lợi nhuận gộp là một khâu quan trọng, không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp kinh doanh vì nó có một ý nghĩa to lớn với việc kiểm soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp đó.
Tính chất, đặc trưng của lãi gộp
Lợi nhuận gộp được cho là chỉ tiêu cơ bản và tối thiểu phải có của các doanh nghiệp nhằm giúp cung cấp thông tin cho việc đánh giá mức độ hoạt động liệu có hiệu quả đến mức nào của doanh nghiệp đó trong việc sử dụng các khoản chi vào việc mua hàng hoặc mua vật tư, nguyên vật liệu, chi trả cho nhân viên để từ đó giúp điều chỉnh lại việc chi tiêu của doanh nghiệp. Nói chung thì còn tùy thuộc vào loại doanh nghiệp là gì mà lãi gộp sẽ phải chịu ảnh hưởng của những loại phí gì. Tuy nhiên, về cơ bản, các loại phí sau đây có ảnh hưởng nhất định tới lợi nhuận gộp: giá mua nguyên vật liệu, khấu hao định kỳ, chi phí vận chuyển, bốc dỡ, chi phí thiết bị, dụng cụ, lương cho nhân viên …
Phân biệt giữa lãi gộp và lãi ròng
Lãi gộp và lãi ròng về cơ bản đều là lấy doanh thu trừ cho chi phí. Tuy nhiên, sẽ xuất hiện một số điểm khác biệt dưới đây mà không phải ai cũng hiểu. Nói một cách đơn giản thì lãi ròng sẽ thấp hơn lợi nhuận gộp. Bởi lẽ, lợi nhuận gộp là doanh thu trừ đi khoản chi phí cho hoạt động kinh doanh thôi. Còn lãi ròng là phải trừ thêm các khoản thuế (như thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 20%, thuế giá trị gia tăng VAT khoảng 10%, thuế xuất nhập khẩu chẳng hạn, thuế tiêu thụ đặc biệt (tùy theo ngành hàng doanh nghiệp đang kinh doanh) …) Các khoản thuế này là dựa theo doanh thu thực tế của doanh nghiệp và lãi ròng coi như là khoản tiền lãi còn lại cuối cùng sau khi hoàn thành tất cả khoản chi trả.
2. Cách tính lãi gộp
Tùy theo từng loại doanh nghiệp mà có công thức như sau:
- Đối với doanh nghiệp thương mại (tức không sản xuất mà chỉ nhập hàng về bán) thì:
Lãi gộp = Doanh thu bán hàng – giá vốn hàng bán (chi phí nhập hàng ban đầu tính luôn cả các khoản như là vận chuyển, bốc dỡ hàng và lưu kho lưu bãi …)
- Đối với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa (tự sản xuất hàng ra để bán, chỉ nhập nguyên liệu về rồi sản xuất):
Lãi gộp = Tổng doanh thu thực tế – các khoản chi phí sản xuất.
Trong đó, chi phí sản xuất có thể gồm: Mua nguyên vật liệu, mua máy móc thiết bị, trả cho công nhân, bao bì đóng gói, tem mác, in ấn, chi phí nhập kho và chi phí thuê gia công ngoài (nếu có) …
Ví dụ về tính lãi gộp
Ví dụ đầu tiên là về doanh nghiệp kinh doanh thương mại. Giả sử công ty A nhập gấu bông về bán. Giá nhập là 100000 đồng một con. Chi phí vận chuyển là 1000 đồng/con, bảo quản và bốc dỡ 1000 đồng/ con. Năm 2020, công ty bán được 1 triệu con với mức giá 300000 đồng/con thì lợi nhuận gộp được tính thế nào?
Lợi nhuận gộp = (300000 x 1 triệu) – (1 triệu x (100000 + 1000 + 1000)) = 300 tỷ – 102 tỷ = 198 tỷ
Ví dụ thứ 2, giả sử công ty B là công ty sản xuất ba lô, năm 2020 bán được 1 triệu chiếc với giá 500000 đồng/chiếc. Chi phí sản xuất tính theo chiếc là 100000 đồng/chiếc.
Lãi gộp = 1 triệu x (500000-100000) = 400 tỷ.
Nói chung thì cách tính khá đơn giản.
Cách tính tỷ lệ lãi gộp
Sau khi tính ra mức lãi gộp thì tính tỷ lệ lợi nhuận gộp cũng rất dễ dàng. Ta lấy tổng số tiền lợi nhuận gộp chia cho tổng doanh thu thực tế nhân với 100% ra tỷ lệ lợi nhuận gộp. Ví dụ lợi nhuận gộp 400 tỷ, doanh thu 500 tỷ thì tỷ lệ lợi nhuận gộp là 400/500×100% = 80%. Một tỷ lệ lớn và thể hiện việc bộ phận kinh doanh làm việc rất hiệu quả bởi lãi cao so với mức tổng doanh thu tức là giá vốn ban đầu được giảm xuống mức khá thấp.
Bên cạnh đó, nếu muốn tính hệ số biên của lợi nhuận gộp thì ta lấy tổng lợi nhuận gộp chia cho doanh thu thuần sau đó nhân 100 (phần trăm). Hai chỉ số này giúp doanh nghiệp/ nhà đầu dễ xem xét tình hình kinh doanh hơn.
Làm sao để gia tăng lãi gộp
Để lãi gộp doanh nghiệp được tăng lên thì doanh nghiệp cần phải điều chỉnh doanh thu hoặc giá bán hàng bán / chi phí sản xuất. Điều này sẽ được thực hiện hiệu quả nếu công ty có một phòng kinh doanh tốt. Bằng cách đàm phán lại với nhà cung cấp hoặc đối tác để giảm giá vốn hàng bán, chi phí nguyên vật liệu ban đầu. Bên cạnh đó, giảm chi phí vận chuyển, bốc dỡ, hay các chi phí liên quan khác cũng là cách. Ngoài ra, phòng kinh doanh cũng nên tích cực thực hiện các kế hoạch nhằm gia tăng doanh thu chẳng hạn như tập trung nhiều vào marketing để gia tăng số lượng hàng bán ra. Hoặc tăng giá. Nhưng nếu lựa chọn tăng giá thì dễ mất khách dẫn đến giảm sản lượng bán ra. Nên cần cân nhắc kỹ phương án.
3. Ý nghĩa và lợi ích của lãi gộp
Trong kinh doanh nói riêng và lĩnh vực kinh tế nói chung thì lãi gộp là một chỉ tiêu chiếm vị trí rất quan trọng. Con số này cho biết về mức thu nhập trước thuế của một doanh nghiệp, do thuế là vấn đề không can thiệp được vì là quy định của nhà nước. Từ đó giúp nhà đầu tư và cả doanh nghiệp có cái nhìn khách quan về tình hình kinh doanh lỗ lãi và đang chiều hướng nào, dễ dàng so sánh với các năm trước. Đồng thời cũng là dữ liệu cơ bản để căn cứ vào đó chuẩn bị kế hoạch cho năm sau. Bên cạnh đó, lãi gộp còn là công cụ giúp nhà quản trị nhìn nhận là việc chi tiêu, các chi phí họ bỏ ra đang hoạt động hiệu quả không.
Nhận định chung về hiện trạng của lĩnh vực, ngành kinh doanh
Ngoài những thông tin trên ra, thì lãi gộp còn là chỉ tiêu giúp các nhà đầu tư so sánh giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực, ngành nghề hoạt động kinh doanh. Điều này có ý nghĩa khá lớn. Bởi lẽ lãi gộp thể hiện sức khỏe tài chính của doanh nghiệp đó. Một công ty có lợi nhuận gộp âm thì nhà đầu tư thường không dám đầu tư vào. Bởi vậy mà nhiều doanh nghiệp lợi dụng các khe hở để mà khai khống lợi nhuận gộp lên nhằm thu hút nhà đầu tư để tăng giá cổ phiếu.
Lời kết
Qua phân tích có thể thấy lãi gộp có một chức năng và ý nghĩa quan trọng với doanh nghiệp và cả nhà đầu tư. Dù làm việc trong bất cứ ngành nghề gì liên quan đến kinh tế thì bạn cũng nên nắm vững khái niệm này để có thể vận dụng những lúc cần thiết.