Đã là dân kinh tế, kinh doanh thì khái niệm cung cầu như một định lý cơ bản mà bạn bắt buộc phải nắm rõ để phân tích và đưa ra những chiến lược hiệu quả, mang về lợi nhuận tốt cho bản thân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, bài viết này được lập ra là để phổ cập cho các bạn định nghĩa về cung và cầu 1 cách chi tiết nhất.
1. Tổng quan về khái niệm cung cầu
Khái niệm cung cầu ý chỉ lượng cung, cầu hàng hóa, dịch vụ bên trong thị trường và mối liên quan mật thiết giữa 2 yếu tố này. Nếu cung lớn hơn cầu thì giá sẽ giảm. Ngược lại nếu cầu lớn hơn cung thì giá sẽ tăng. Cung bằng cầu thì giá sẽ ở mức cân bằng thị trường.
Bây giờ chúng ta sẽ đi sâu hơn về mối quan hệ của cung, cầu và yếu tố giá bên trong.
1.1 Cung thị trường
Cung ở đây chính là lượng hàng hóa, dịch vụ mà các nhà sản xuất có thể cung ứng ra bên ngoài thị trường. Và mức giá của các nhà sản xuất sẽ không giống nhau, tùy vào quyết định và chiến lược kinh doanh của họ.
Theo lý thuyết thì mỗi lần giá của sản phẩm, dịch vụ nào đó tăng thì cung của sản phẩm dịch vụ đó cũng tăng theo. Điều này có thể là do các nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận ngắn hạn.
Bạn có thể thấy rõ điều này qua sự kiện chạy đua sản xuất và bán khẩu trang xảy ra vào năm 2020 của nước ta. Khi dịch covid hoành hành và khẩu trang trở thành một sản phẩm thiết yếu. Vì vậy giá thành của của 1 hộp có khi còn lên đến 500.000 đồng. Điều này đã khiến nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất “quay xe” và đẩy mạnh công cuộc sản xuất khẩu trang này để thu được nguồn lợi lớn.
Cung cũng có các loại khác nhau, lần lượt là cung cá nhân, cung thị trường và tổng cung. Cung cá nhân là lượng cung sản phẩm mà người bán có thể cung cấp, với một mức giá xác định và thời gian nhất định. Vì vậy cung cá nhân chỉ có ý nghĩa khi có một mức giá cụ thể. Cung thị trường là cung của tất cả người với 1 loại hàng hóa, sản phẩm trong 1 nền kinh tế. Tổng cung là lượng cung của tất cả hàng hóa và dịch vụ trong 1 nền kinh tế.
Một số yếu tố có thể tác động đến lượng cung trong kinh tế có thể kể đến như chính sách, công nghệ,… Hoặc những yếu tố không thể kiểm soát như thiên tai, lũ lụt,…
1.2 Cầu thị trường
Cầu chính là lượng hàng hóa, dịch vụ và người dùng sẵn lòng mua trong thị trường. Họ có thể chi trả nhiều mức giá khác nhau trong 1 khoảng thời gian nhất định.
Tính chất của cầu cũng khá đơn giản, khi giá của hàng hóa và dịch vụ tăng cao thì lượng cầu theo đó cũng giảm lại. Điều này bạn có thể thấy rõ qua những câu chuyện ngoài đời. Những sản phẩm nào thuộc dạng sang trọng, xa xỉ thì lúc nào cũng có số lượng được bán thấp hơn những đồ phổ thông bình thường.
Ví dụ cụ thể như sau, vào mùa cam, giá cam cực rẻ vì vậy nên nhiều người mua về để làm thức uống hằng ngày bởi cam rất tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu không đúng mùa, giá cam cao làm rất ít người mua cam. Dù rằng nó là rất tốt cho sức khỏe đấy, nhưng giá của nó lại là nguyên nhân ngăn cản lượng cầu lúc này trên thị trường.
Cầu cũng có nhiều loại cầu khác nhau. Lần lượt là cầu cá nhân, cầu thị trường và tổng cầu. Cầu cá nhân được hiểu là số lượng hàng hóa, dịch vụ mà cá nhân muốn mua với mức cụ thể, trong 1 khoảng thời gian xác định. Cầu thị trường là chỉ lượng cầu của tất cả cá nhân dối với 1 loại hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Tổng cầu là lượng cầu của tất cả hàng hóa, dịch vụ trong 1 nền kinh tế.
Những yếu tố ảnh hưởng đến lượng cầu có thể kể đến như giá cả hàng hóa, sở thích,… hoặc các yếu tố về thiên nhiên như thời tiết (trời lạnh thì cầu của áo lạnh tăng lên).
2. Khái niệm cung cầu – Quy luật của nó với giá
Cung cầu có mối tương quan với nhau và có mối liên hệ mật thiết với giá cả. Thị trường liên tục biến động, lượng cung và cầu liên tục thay đổi. Tuy nhiên, nó sẽ tự điều chỉnh về mức cân bằng, tại điểm mà lượng cung bằng với lượng cầu, đây là ý chính của lý thuyết “bàn tay vô hình” của Adam Smith.
Tại sao lại nói thị trường sẽ tự điều chỉnh? Bởi đây là bản chất của nó, ví dụ sau sẽ giúp bạn dễ hiểu hơn.
Như ở trên đã nói về giá của khẩu trang tăng cao do lượng cầu trong thời điểm đó tăng đột biến và vượt qua lượng cung lúc bấy giờ. Để đáp ứng lượng cầu đó, các nhà sản xuất đã chạy đua nhau, đẩy lượng cung cũng tăng theo. Tuy nhiên, vì giá quá cao và lượng cầu đạt giới hạn rồi nên cầu sụt giảm, trong khi đó cung vẫn liên tục tăng. Lâu dần khi cung vượt quá cầu giá sẽ tự giảm lại điểm cân bằng ban đầu.
Lúc đầu giá của khẩu trang là 50.000/ hộp. Cầu tăng đột biến dẫn đến khan hiếm, tâm lý đẩy giá đã đưa lên gấp 10 lần là 500.000. Mức giá quá cao và thực tế càng ngày càng có nhiều người đã mua được rồi nên lượng cầu bắt đầu sụt giảm, trong khi đó các cơ sở sản xuất vẫn đẩy mạnh để bán được nhanh và nhiều nhất -> Cung vẫn tăng nhanh. Đến một thời điểm cung vượt cầu thì hàng hóa sẽ khó bán hơn, ít người mua như trước nên phải hạ giá để thu hút họ mua về. Giá dần giảm xuống cho đến mức điểm cân bằng ban đầu là 50.000 cho đến hiện tại.
Chúng ta có thể kết luận ngắn gọn thế này. Giá cân bằng, ổn định khi cung bằng cầu. Giá giảm khi cung lớn hơn cầu, giá tăng khi cầu lớn hơn cung. Chính vì vậy, việc kiểm soát được cung và cầu của 1 nền kinh tế là rất quan trọng trong việc giữ mức giá ổn định, duy trì sự phát triển bền vững cho đất nước đó.
3. Vai trò của cung cầu đối
Có thể nói cung và cầu có tác động đến 3 nhóm người như sau:
- Chính phủ: khi cung bé hơn cầu, nhà nước sẽ tự biết cách và đưa ra chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất để cân bằng được 2 yếu tố này. Hoặc cũng có thể là do có người tích trữ hàng hóa để làm rối loạn thị trường, giảm cung, chính phủ sẽ xử lý và phạt nặng những doanh nghiệp, cá nhân này. Cung lớn hơn cầu, nhà nước sẽ thực hiện biện pháp kích cầu bằng cách đưa ra các luật khác nhau, ví dụ về nón bảo hiểm là điển hình.
- Doanh nghiệp: Nếu cung bé hơn cầu, các doanh nghiệp sẽ tự biết dồn lực đẩy mạnh nguồn cung để thu lợi tốt. Giá cả lúc này khá cao, có thể cao hơn cả giá trị mà khách hàng nhận được. Cung lớn hơn cầu thì doanh nghiệp sẽ thu hẹp lại khâu sản xuất, giá cả thấp và có thể giá trị khách hàng nhận được cao hơn giá mua.
- Người dân: Khi cầu lớn hơn cung, đồng nghĩa với việc giá cao, họ sẽ giảm tần suất và số lượng mua hàng. Khi cầu bé hơn cung, giá thấp, việc mua hàng sẽ được đẩy mạnh hơn.
Trên là những kiến thức cơ bản về khái niệm cung cầu là gì mà bài viết muốn gửi đến cho các bạn. Quy luật cung cầu và giá xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực ngoài đời, từ tài chính đến kinh doanh đều có cả. Chính vì vậy, hiểu được bản chất của nó sẽ giúp các bạn rất nhiều trong việc phân tích thị trường. Còn rất nhiều bài viết hay được cập nhật ở website, các bạn hãy tìm đọc nhé.