Bảo mật thẻ VISA có cần thiết không? Và có những phương thức nào giúp bạn bảo mật thẻ của mình? Trong thời đại tin tặc trực tuyến ngày càng lộng hành, bạn muốn mua trực tuyến thông qua thẻ VISA nhưng sợ bị lừa đảo? Chúng tôi sẽ giúp bạn trong bài viết sau.
1. Sự cần thiết của bảo mật thẻ VISA
Với sự phát triển của công nghệ cùng toàn cầu hóa, số lượng giao dịch trực tuyến xuyên lục địa ngày càng tăng nhanh. Nhịp sống trực tuyến nhiều hơn, nhanh hơn, tạo ra những cơ hội mới cho tội phạm mạng tốt hơn.
Và thẻ VISA là một trong những phương tiện thanh toán quốc tế đang được nhiều người lựa chọn.
Chính vì thế, nếu là một người dùng, thì việc bảo mật thẻ VISA là một điều vô cùng cần thiết giúp bạn tránh được các cuộc lừa đảo từ tội phạm mạng. Còn nếu là một người bán hàng trực tuyến, bạn cần hiểu rõ các phương thức bảo mật thẻ VISA để cung cấp cho khách hàng mình mức bảo mật thanh toán cao nhất, qua đó đảm bảo với khách hàng rằng dữ liệu của họ luôn được an toàn và tránh tai tiếng, mất mát cho cửa hàng của bạn.
Mặc dù có thể khó tự quản lý tất cả các biện pháp bảo mật VISA bởi các mánh khóe lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Nhưng chúng tôi thực sự khuyên bạn nên tìm, hoặc xây dựng cho mình một nền tảng thanh toán đáng tin cậy và cần có đủ kiến thức chống gian lận hiệu quả trong phạm vi căn bản.
2. Điều lưu ý để bảo mật thẻ VISA
2.1. Giao thức SSL
Điều đầu tiên tối quan trọng đối để bảo mật thanh toán thẻ VISA cho khách hàng là hãy đảm bảo rằng bạn có triển khai giao thức SSL trên trang web của mình. Nó giúp bạn mã hóa thông tin thẻ VISA, và dữ liệu nhạy cảm mà khách hàng chia sẻ trong quá trình thanh toán đi qua trang web.
Để biết trang web bạn có giao thức SSL chưa, bạn hãy nhìn biểu tượng ổ khóa hiển thị trong thanh URL, trước địa chỉ web của bạn bắt đầu bằng. Nếu nó bắt đầu bằng “https” có nghĩa là trang web của bạn được bảo vệ và an toàn khi khách hàng khai báo thông tin cá nhân.
Tương tự, nếu là khách hàng, bạn hãy chú ý chọn những trang web có “https” mới thêm thẻ VISA của mình và khai báo những thông tin cá nhân nhé.
Bạn chỉ nên chọn các nhà bán lẻ mà bạn quen. Nếu bạn không quen thuộc với một trang web nào đó, hãy nghiên cứu kỹ để tìm hiểu thêm về nó, xem mọi người nhận định nó có bảo mật, an toàn hay không, có dính phải vụ kiện pháp lý nào chưa…
Bạn cũng cần lưu ý về thiết kế trang web, nếu nó trông có vẻ không chuyên nghiệp, hãy tìm sản phẩm của bạn ở nơi khác. Có rất nhiều trang thương mại điện tử uy tín để bạn lựa chọn mà không phải cố gắng liều ở một trang web nghiệp dư có vẻ lừa đảo như vậy.
2.2. Tuân thủ PCI
Có thể bạn đã nghe nói về việc cần phải tuân thủ PCI nếu bạn muốn thêm tính năng thanh toán trên trang web của mình.
Tóm lại, PCI DSS là một tập hợp các quy định được tạo ra bởi các thương hiệu thẻ thanh toán lớn như VISA, MasterCard, American Express, Discover và JCB. Các quy định này yêu cầu người bán hàng tuân thủ 12 yêu cầu chung về bảo mật dữ liệu.
Các công ty thẻ như VISA yêu cầu tuân thủ PCI để thực hiện các giao dịch trực tuyến an toàn và bảo vệ người dùng thẻ khỏi bị đánh cắp danh tính. Theo Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật Tuân thủ PCI, bất kỳ người bán nào muốn xử lý, lưu trữ hoặc truyền dữ liệu thẻ VISA đều phải tuân thủ PCI.
Tuy nhiên theo báo cáo của Verizon, mặc dù PCI DSS được đưa ra vào năm 2004, nhưng tính đến năm 2018, chỉ có 36,7% tổ chức đang duy trì các chương trình tuân thủ này, chính vì thế bạn cần quan tâm vấn đề này cho cửa hàng mình để đảm bảo tính an toàn cho khách hàng mình.
Một lưu ý cho bạn là việc tuân thủ các quy định PCI không phải là nhiệm vụ dễ dàng và nhanh chóng đâu. Bạn cần phải nộp đơn và chuẩn bị cho một quá trình xử lý lâu dài đến hàng tuần rất tốn kém. Chính vì thế bạn có thể làm việc với các nhà cung cấp thanh toán để họ giải quyết tất cả các vấn đề về PCI giúp bạn.
Tương tự, nếu là người mua trên các cửa hàng trực tuyến, bạn cần phải chắc chắn cửa hàng đấy đã được xác nhận tuân thủ các quy định PCI để bảo mật thẻ VISA của mình nhé.
2.3. Hạn chế rủi ro của bạn với một tài khoản
Bạn nên chỉ định một thẻ VISA dùng cho tất cả các giao dịch mua hàng trực tuyến của mình thôi. Bởi vì bằng cách này, bạn không để lộ nhiều tài khoản cho tin tặc và có thể dễ dàng kiểm tra các khoản chi phí đáng ngờ.
Bên cạnh đó, bạn hãy thiết lập để nhận thông báo bằng tin nhắn hoặc email mỗi khi giao dịch mua được phát sinh trên tài khoản của bạn. Nhờ đó, nếu có bất kỳ chi phí gì bất thường thì bạn hãy nhanh chóng khóa thẻ VISA lại nhé.
2.4. Tạo mật khẩu phức tạp
Mật khẩu cho thẻ trực tuyến và hồ sơ ngân hàng VISA của bạn phải là độc quyền với bạn và phức tạp, và nhất là không dùng chung mật khẩu thẻ VISA với các mật khẩu khác ít quan trọng hơn (như mật khẩu mạng xã hội) để ngăn chặn tin tặc tìm được mật khẩu, hoặc truy cập vào nhiều tài khoản bằng cách sử dụng cùng một thông tin đăng nhập.
Nói chung, một mật khẩu hiệu quả phải là mật khẩu dài, chứa cả chữ hoa và chữ thường, có số và sử dụng các ký hiệu (nếu được phép). Tuy nhiên cũng cần lưu ý mật khẩu khó nhưng phải có ý nghĩa gì đó với bạn để bạn nhớ được – nhưng cũng không chứa bất kỳ chi tiết cá nhân nào – và tuyệt đối không ghi mật khẩu của bạn xuống bất cứ đâu, chỉ cần bạn nhớ trong đầu thôi.
2.5. Chỉ mua sắm trên mạng an toàn
Đối với mua sắm trực tuyến, bạn chỉ kết nối với các mạng an toàn, có uy tín và tránh mua sắm trên Wifi công cộng. Tội phạm mạng thường do thám các mạng Wifi công cộng và đánh chặn dữ liệu được truyền qua liên kết. Mạng công cộng có thể khiến bạn dễ bị hack thông tin bởi những cuộc tấn công này, tạo điều kiện cho tin tặc truy cập vào thông tin tài chính bí mật, thông tin xác thực ngân hàng, mật khẩu tài khoản thẻ VISA và các dữ liệu nhạy cảm khác của bạn đấy.
2.6. Sử dụng phần mềm bảo mật
Sử dụng phần mềm bảo mật bảo vệ cả máy tính để bàn và cả thiết bị di động của bạn. Bạn hãy bảo mật thẻ VISA của mình bằng cách phần mềm chống vi-rút, hoặc các phần mềm bảo mật Internet toàn diện cung cấp khả năng bảo vệ trên tất cả các thiết bị. Hãy nhớ, cài cho cả điện thoại của bạn nữa nhé, vì rất nhiều người trong chúng ta dùng điện thoại để mua sắm, mà không có bất cứ phần mềm hỗ trợ bảo mật thẻ VISA nào hết rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó bạn phải luôn cập nhật các bản cập nhật cho hệ điều hành và các phần mềm bảo mật cũng như các phần mềm khác trong máy của bạn. Thông thường, các bản cập nhật này giúp vá các lỗ hổng bảo mật để giữ cho thiết bị của bạn an toàn hơn.
3. Kết
Những phương pháp bảo mật thẻ VISA trên này có vẻ đơn giản, nhưng chúng là những cách hiệu quả để giảm rủi ro khi mua sắm trực tuyến với thẻ VISA cho bạn đấy. Sẽ thoải mái và yên tâm để tận hưởng hoạt động mua sắm trực tuyến hơn, khi bạn biết thông tin thẻ VISA của mình đã được bảo mật tốt phải không?!