Phân tích thị trường là gì? Phân tích thị trường rất quan trọng, vì nó giúp bạn khả năng khám phá các cơ hội trong thị trường, để biết khách hàng nghĩ gì về sản phẩm và cải thiện giao tiếp của bạn với họ. Hãy cùng tìm hiểu các yếu tố thị trường cần phân tích trong bài sau.
1. Phân tích thị trường là gì?
Phân tích thị trường là đánh giá định tính và định lượng của thị trường hiện tại. Nó nghiên cứu về sự thay đổi của các yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường. Việc này giúp các công ty hiểu mọi người muốn gì ở những sản phẩm, dịch vụ của mình.
Phân tích thị trường nói chung rất quan trọng, vì nó cho phép một doanh nghiệp hiểu đầy đủ các hành vi của thị trường để xây dựng một kế hoạch kinh doanh phù hợp đáp ứng nhu cầu hiện tại. Với sự trợ giúp của phân tích, bạn có thể hiểu biết rõ về một loại thị trường cụ thể và theo đó có thể phát triển các chiến lược.
Thực ra phân tích nghiên cứu thị trường không quá phức tạp. Chúng tôi sẽ lấy một ví dụ:
Bạn vừa hoàn thành một giao dịch mua hàng trực tuyến trên một trang web thương mại điện tử nào đấy. Đột nhiên một cửa sổ bật lên, hỏi bạn có muốn đánh giá trải nghiệm của mình bằng một cuộc khảo sát ngắn hay không. Vì hoàn thành cuộc khảo sát sẽ giúp bạn kiếm được một phiếu giảm giá 10 phần trăm cho lần mua hàng tiếp theo, nên bạn chấp nhận khả sát và lướt qua những câu hỏi đơn giản.
Nhưng khi trải nghiệm khảo sát của bạn kết thúc, thì công việc của nhà phân tích nghiên cứu thị trường mới chỉ bắt đầu. Tất cả những cuộc khảo sát đó đi vào trong kho dữ liệu khách hàng của tổ chức, học thống kê, phân tích và có thể chỉ ra bao nhiêu lượng khách hàng đã đánh giá trải nghiệm của họ là “hài lòng”, bao nhiêu người là nữ, bao nhiêu người muốn dịch vụ freeship,… hay tương tự thông qua các biểu đồ. Bên cạnh đó, họ còn có thể giải thích tại sao lại có những nhóm người thích freeship, còn một số lại thích giảm giá hơn chẳng hạn.
Tuy nhiên, khảo sát chỉ là một phần của công việc mà các nhà phân tích thực hiện thôi. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
2. Làm thế nào để thực hiện phân tích thị trường?
Tiến hành phân tích nghiên cứu thị trường cần rất nhiều thời gian và nỗ lực nghiên cứu. Đó không phải là điều có thể đạt được trong một sớm một chiều. Dưới đây là một số bước căn bản của quá trình này giúp bạn hiểu rõ hơn.
2.1. Xác định mục đích của phân tích
Trước khi bắt đầu phân tích, trước tiên bạn cần tìm hiểu xem liệu phân tích đó dành cho mục đích nội bộ hay bên ngoài. Mục đích nội bộ có thể là cải thiện dòng tiền hoặc hoạt động kinh doanh. Còn các mục đích bên ngoài có thể là thuyết phục người cho vay cung cấp cho bạn một khoản vay kinh doanh chẳng hạn. Tùy theo mục đích mà sẽ có loại nghiên cứu khác nhau. Vì vậy, hãy xác định rằng việc nghiên cứu này của bạn sẽ hướng về nội bộ, bên ngoài hay cả hai.
2.2. Phân tích ngành
Phân tích ngành đưa ra các thông tin tổng về quy mô ngành, tốc độ tăng trưởng, xu hướng và các nội dung phức tạp khác của ngành bạn đang hoạt động.
Quy mô ngành: Tính toán tổng quy mô thị trường có thể đạt được vì nó sẽ giúp bạn đặt ra các mục tiêu thực tế và thiết kế một kế hoạch kinh doanh khả thi.
Tốc độ tăng trưởng của thị trường: Điều này là giúp bạn sẽ biết được thị trường cụ thể đó sẽ tồn tại trong bao lâu, và do đó bạn có thể quyết định số tiền đầu tư bạn muốn thực hiện vào thị trường đó. Tốc độ tăng trưởng thường được tính bằng cách trừ quy mô thị trường của năm thứ nhất cho quy mô thị trường của năm thứ hai. Kết quả sau đó được chia cho quy mô thị trường trong năm đầu tiên và nhân với 100 để chuyển đổi thành tỷ lệ phần trăm.
Xu hướng: Xu hướng thị trường giúp bạn xác định hướng của làn sóng mà thị trường hiện đang di chuyển. Có kiến thức về các xu hướng mới nhất giúp bạn quyết định loại sản phẩm bạn nên bán. Trọng tâm của bạn nên là thu hút sự chú ý của khách hàng bằng cách giới thiệu các sản phẩm mà họ muốn mua và chi tiền của họ. Xu hướng thị trường có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Đó là lý do tại sao bạn phải theo dõi chúng sát sao để tiến hành phân tích thị trường thành công.
Khả năng sinh lời trong ngành: Trước khi bắt tay vào kinh doanh bạn cần phải phân tích khả năng sinh lời của thị trường. Nếu thị trường có khả năng sinh lời cao thì bạn đầu tư vào, nếu không sẽ rất lãng phí thời gian và tiền vốn. Những thứ như quyền lực của người mua, quyền lực của nhà cung cấp, các rào cản gia nhập,… phải được xem xét kỹ càng để tính toán khả năng thu lợi nhuận của thị trường.
2.3. Phân tích khách hàng mục tiêu trong phân tích thị trường
Không phải ai cũng là khách hàng tiềm năng của bạn đâu. Khi phân tích, bạn phải xác định khách hàng của mình là ai. Để làm được điều này, bạn cần phát triển chân dung khách hàng thông qua:
- Nhân khẩu học: Độ tuổi, giới tính, học vấn, thu nhập điển hình của khách hàng của bạn là gì,…
- Vị trí: Khách hàng mục tiêu của bạn sống ở đâu.
- Tâm lý học: Khách hàng của bạn có nhu cầu, mong muốn, thích và không thích gì? Tính cách của họ là gì?
- Các hành vi: Họ phản ứng như thế nào với một số kích thích khuyến mãi? Họ mua sắm như thế nào?
Quá trình này được gọi là phân tích đối tượng mục tiêu. Khi doanh nghiệp của bạn phát triển, khách hàng tiềm năng của bạn có thể thay đổi. Do đó, bạn cần thỉnh thoảng xem lại thị trường mục tiêu để đảm bảo rằng chúng vẫn phù hợp với doanh nghiệp của bạn.
2.4. Thực hiện phân tích đối thủ cạnh tranh
Khi thị trường và khách hàng đã được phân tích xong, bước tiếp theo là phân tích những “người chơi” hiện có trên thị trường và các chiến lược kinh doanh mà họ sử dụng. Thực hiện phân tích đối thủ cạnh tranh giúp bạn xác định các cơ hội và mối đe dọa của họ.
Các đối thủ cạnh tranh thường được chia thành ba nhóm:
- Đối thủ cạnh tranh trực tiếp: Đối thủ cạnh tranh phục vụ cùng một khách hàng, giải quyết cùng một vấn đề và cung cấp cùng một giải pháp như bạn.
- Cạnh tranh thứ cấp: Các đối thủ cạnh tranh phục vụ cho các phân khúc khách hàng khác bạn nhưng giải quyết cùng một vấn đề và cung cấp cùng một giải pháp như bạn.
- Đối thủ cạnh tranh gián tiếp: Đối thủ cạnh tranh phục vụ cho cùng một phân khúc khách hàng và giải quyết cùng một vấn đề nhưng cung cấp một giải pháp khác nhau.
Khi bạn đã xác định được các nhóm đối thủ, hãy sử dụng các biểu đồ thị trường,… để xác định thị phần và vị trí của họ trên thị trường, cũng như vị trí mà bạn có thể chiếm lĩnh trên thị trường.
3. Kết
Khi bạn tiến hành phân tích thị trường, bạn khám phá ra rất nhiều điều. Bạn biết khách hàng hiện tại của mình là ai và ai có thể là khách hàng tiềm năng. Bạn biết được mình đang sử dụng thời gian và tiền bạc ở đâu và giá trị đó mang lại cho công việc kinh doanh của bạn như thế nào. Ngoài ra, bạn có cơ hội thực hiện một số hoạt động quan trọng đối với các đối thủ cạnh tranh của mình. Và quan trọng nhất là bạn tìm hiểu được về những khuyết điểm của mình, đồng thời tìm ra giải pháp để khắc phục chúng.
Như vậy bạn đã hiểu phân tích thị trường là gì rồi phải không. Nó đơn giản chỉ là việc tìm hiểu nhiều nhất bạn có thể về thị trường, và sau đó sử dụng kiến thức đó làm lợi thế của mình.