Mọi người khi tham gia thị trường chứng khoán thường sẽ có vô số cách để kiếm tiền. Tuy nhiên 2 loại hình chiến lược cơ bản mà chúng ta thường thấy nhất chính là đầu tư và giao dịch, hay còn gọi là “lướt sóng chứng khoán”. Vậy đầu tư và giao dịch khác nhau như thế nào? Liệu chúng ta có nên lướt sóng chứng khoán để “tranh thủ” kiếm lời?
1. Tại sao nhiều người tham gia lướt sóng chứng khoán?
Kể từ thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra, thế giới đã đón nhận một làn sóng cho những nhà đầu tư: đột nhiên mọi người có rất nhiều khoảng thời gian rảnh rỗi ở nhà – cũng là thời điểm “work from home” trở nên phổ biến. Từ đó, nhiều bên cung cấp tài khoản môi giới chứng khoán miễn phí. Đồng thời, thị trường chứng khoán trở nên biến động cực kỳ mạnh mẽ.
Nhiều người ở Việt Nam và cả trên thế giới lần đầu tiên tạo cơ hội cho mình trải nghiệm dịch vụ về giao dịch chứng khoán hoặc đầu tư chứng khoán. Và những người khác, với tâm lý Fomo – sợ bỏ lỡ – đã không thể ngầm lo lắng rằng liệu họ có đang vô tình chính mình bỏ lỡ cơ hội làm giàu từ việc mua cổ phiếu, trái phiếu hay các loại hình chứng khoán khác hay không.
Cũng từ thời điểm đó, nhiều người nhận ra rằng thuật ngữ “đầu tư” – “giao dịch” dường như bắt đầu được mọi người sử dụng có thể nói là gần như được thay thế cho nhau. Nhưng thực tế, giao dịch khác với việc đầu tư. Giao dịch hay còn được gọi một cách dân dã là “lướt sóng chứng khoán”.
Việc lướt sóng chứng khoán đề cập đến hoạt động tận dụng sự biến động nhanh của thị trường để kiếm lời. Lướt sóng đúng như cái tên của nó, thực hiện giao dịch mua & bán một cách nhanh chóng. Trong khi đó, đầu tư thường đề cập đến việc giữ tài sản trong dài hạn và có chiến lược. Điều đó không có nghĩa lướt sóng là may rủi. Trên thực tế, để lướt sóng chứng khoán một cách hiệu quả, bạn cần có đầy đủ kiến thức về thị trường, nắm rõ quy luật giao dịch, đồng thời hiểu biết sâu sắc về phân tích kỹ thuật (bao gồm việc sử dụng thuần thục và kết hợp biểu đồ, chỉ báo cũng như các mô hình giao dịch).
2. Lướt sóng và đầu tư đem đến mức độ lợi nhuận khác biệt
Như đã đề cập ở trên, thực ra việc đầu tư và lướt sóng chứng khoán đều nói đến việc mang tiền đổi lấy một loại tài sản nào đó với mục đích tạo lợi nhuận. Một số loại chứng khoán phổ biến nhất đối với thị trường là cổ phiếu, trái phiếu, các chứng chỉ quỹ, ETF. Tuy nhiên, khi nói đến đầu tư và lướt sóng có điểm khác biệt gì, chúng ta sẽ thường thấy rõ ràng nhất về sự chủ động trong việc trao đổi mua bán tài sản.
Việc lướt sóng chứng khoán có sự chủ động lớn hơn so với đầu tư. Những người theo trường phái lướt sóng thường tận dụng tối đa mọi thời điểm để đặt mua hoặc đặt bán. Những biến động từ thị trường chính là cơ hội lướt sóng tuyệt vời nhất dành cho người giao dịch. Lướt càng nhiều, càng chuẩn và chính xác thì cơ hội kiếm tiền cực kỳ lớn. Trong khi đó, việc đầu tư thường đi theo tiêu chí “hold and sell” – tức là giữ và bán. Nhà đầu tư thường cố gắng mua chứng khoán ở thời điểm giá thấp, hoặc một thời điểm vàng theo tiêu chí của từng nhà đầu tư. Sau đó, giữ chứng khoán trong một khoảng thời gian dài. Cuối cùng là tìm kiếm một thời điểm phù hợp để bán chúng đi.
Hãy cùng xem một ví dụ đơn giản để phân biệt 2 phong cách này. Bạn mua và giữ cổ phiếu của Vinamilk trong 30 năm, sau đó bạn sẽ hưởng lợi từ việc công ty có sự tăng trưởng và mở rộng. Đó là đầu tư. Mặt khác, bạn mua cổ phiếu của Vinamilk và bán những cổ phiếu này chỉ trong 1-30 ngày, đó là lướt sóng.
Rõ ràng, cả 2 phương thức này đều tiếp cận thị trường với mục tiêu mua thấp và bán cao. Tuy vậy, chúng lại có sự khác biệt về bản chất của lợi nhuận thu về.
Đối với đầu tư, chúng ta thu được lợi nhuận dựa trên sự phát triển của tài sản (ở đây là sự tăng trưởng trong doanh thu của doanh nghiệp). Trong khi đó, đối với giao dịch, hay còn gọi là lướt sóng thì mọi chuyện lại khác. Chúng ta ở đây thu được lợi nhuận từ việc tận dụng cung và cầu.
Khi các trader – nhà giao dịch thua lỗ, họ thường sẽ bán ngay các tài sản đó để phòng ngừa lỗ sâu hơn thay vì loại bỏ biến động giá trong thời gian dài. Ngược lại, các nhà đầu tư sẽ hướng đến mục tiêu xây dựng sự bền vững, an toàn và tin cậy song hành với sự tăng trưởng từ thực tế mà nền kinh tế mang lại. Chính vì tâm lý này, các nhà đầu tư chứng khoán thường mua và giữ những khoản đầu tư trong dài hạn – trong nhiều năm, nhiều thập kỷ, sau đó thực hiện tái đầu tư và “tâm bất biến” trong khoảng thời gian mà thị trường biến động ngắn.
3. Lướt sóng và đầu tư khác nhau về độ rủi ro
Không chỉ chứng khoán, hầu hết toàn bộ những khoản đầu tư, kể cả bất động sản đều ẩn chứa mức độ rủi ro nào đó, khác về việc rủi ro thấp hay cao. Chính vì vậy, bạn cần cân nhắc thật kỹ về mức chấp nhận rủi ro của mình trước khi lựa chọn hình thức đầu tư. Nếu bạn chưa biết về mức độ “chịu đựng” của mình, bạn có thể xem xét về tình hình tài chính, mục tiêu tài chính cũng như hoàn cảnh của mình, từ đó ra quyết định.
Từ những kinh nghiệm từ nhiều nhà đầu tư, người ta có thể thấy rằng việc chúng ta đầu tư & chăm chút cho một danh mục đa dạng kéo dài trong dài hạn thường sẽ hạn chế được nhiều rủi ro hơn so với việc đặt cược số tiền của mình vào các mã cổ phiếu biến động mạnh để tận dụng kiếm lời. Đúng như chúng ta vẫn thường nghe, rủi ro càng cao, lợi nhuận càng hấp dẫn và ngược lại. Tuy nhiên, hãy thử tưởng tượng nếu một sự kiện liên quan kinh tế, chính trị hay nội bộ doanh nghiệp bất ngờ xảy đến và doanh nghiệp không thể chống đỡ, bạn sẽ mất sạch tiền.
Và đó cũng là lý do mà bạn nên nhìn toàn diện hơn khi tham gia thị trường chứng khoán. Chúng ta không nên chỉ dựa vào việc lướt sóng chứng khoán để gây dựng danh mục của mình. Chúng ta vẫn thường được khuyên rằng cần có đủ tiền để sử dụng trong thời gian ngắn, bỏ tiền đủ vào các quỹ dự phòng. Sau đó hãy đầu tư hoặc giao dịch. Nếu bạn cảm thấy trường phái lướt sóng phù hợp, bạn hoàn toàn có thể thử một phần nhỏ trong phần đầu tư của mình.
Và dĩ nhiên, dù bạn đang đầu tư hay lướt sóng, bạn cần chắc chắn mình hiểu rõ bản thân mình đang đối mặt với những rủi ro gì, bạn có chấp nhận được rủi ro đó không và có kế hoạch giảm thiểu rủi ro cụ thể.
Thực tế, việc đầu tư dài hạn không yêu cầu nhà đầu tư cần nhiều sự nỗ lực như việc lướt sóng. Nhà đầu tư có thể chỉ cần thực hiện các phân tích cơ bản để ra quyết định và ung dung nắm giữ tài sản của mình.
Ngược lại, các trader thường cực khổ hơn rất nhiều. Họ cần tận dụng mọi thời điểm của thị trường. Chính vì vậy, họ cần phải nhuần nhuyễn giữa phân tích cơ bản và cả các kiến thức của phân tích kỹ thuật. Điều này đòi hỏi trader cần “trải” thật nhiều trên thị trường, chắc tay và nhạy về thị trường cũng như các con số.
Tuy vậy, bất chấp những nỗ lực mà traders đang ngày đêm cày cuốc thì việc lướt sóng chứng khoán vẫn mang nhiều rủi ro tiềm ẩn hơn khi đặt lên bàn cân với đầu tư dài hạn.