Người Việt Nam chắc hẳn không còn xa lạ với thương hiệu SamSung mỗi khi nhắc tới các thiết bị điện tử. Không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam mà SamSung hầu như đã vươn ra toàn thế giới. Sau đây, mời bạn cùng tìm hiểu về SamSung và lịch sử SamSung Việt Nam nhé.
1. Giới thiệu chung về SamSung
SamSung là gì?
SamSung là một tập đoàn đa quốc gia chuyên về điện tử đến từ Hàn Quốc. Trụ sở chính của SamSung đặt tại Seoul, Hàn Quốc. Với một chuỗi các công ty con, hệ thống bán hàng quy mô lớn cùng với văn phòng đại diện được đặt tại nhiều nước trên phạm vi toàn thế giới, SamSung được đánh giá là một trong những tập đoàn tài phiệt đa ngành hàng đầu thế giới và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế Hàn Quốc.
Cái tên SamSung có ý nghĩa là ba ngôi sao (tiếng Hán Việt là Tam Tinh). Năm 1938, Samsung được thành lập bởi Lee Byung-chul. Ông cũng là CEO đầu tiên của SamSung khi ông chỉ mới 30 tuổi với số vốn ban đầu là 30 nghìn won.
Sơ lược lịch sử tập đoàn SamSung
Tiền thân của SamSung là một công ty kinh doanh quy mô rất nhỏ. Nhưng chỉ khoảng 3 thập kỷ sau đó, SamSung đã trở thành tập đoàn đa ngành, chuyên về nhiều lĩnh vực từ chế biến thực phẩm, bảo hiểm, cho đến chứng khoán và bán lẻ, dệt may. Đến cuối thập kỷ 60, tập đoàn này mới bắt đầu tham gia vào lĩnh vực công nghiệp điện tử. Và giữa thập kỷ 70, SamSung tiếp tục dấn thân vào công nghiệp đóng tàu. Năm 1987, sau khi ông Lee Byung-chul mất, SamSung lúc này được tách ra thành 4 tập đoàn gồm: Samsung, CJ, Shinsegae và Hansol. Từ những năm 90, tập đoàn bắt đầu mở rộng quy mô hoạt động ra toàn cầu trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, chủ yếu là lĩnh vực công nghệ điện tử, chất bán dẫn và smartphone.
2. Lịch sử SamSung Việt Nam
Tổng quát
Cho tới hiện nay, SamSung đã có 9 nhà máy sản xuất tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Có 2 nhà máy SamSung Việt Nam, trong đó, ở Bắc Ninh là Công ty TNHH SamSung Electronics Việt Nam (SEV) và một nhà máy ở Thái Nguyên là Công ty TNHH SamSung Electronics Thái Nguyên (SEVT) thuộc Công ty TNHH SamSung Electronics (hay còn gọi là Công ty SamSung Việt Nam) chiếm sản lượng gần ⅓ sản lượng toàn cầu của SamSung. Tính đến nay tập đoàn này đã đầu tư ở Việt Nam gần 20 tỷ đô.
Trong vòng 12 năm hoạt động tại Việt Nam, Công ty SamSung Việt Nam đã cung cấp việc làm cho hơn 100 nghìn lao động, cải thiện đời sống người dân, đóng góp khá lớn cho sự phát triển kinh tế nước ta.
Chi tiết lịch sử SamSung Việt Nam
Năm 2008, tập đoàn SamSung lần đầu tiên đặt nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam. Nhà máy này chuyên sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử, điện lạnh. Đến năm 2009, SamSung Electronics Việt Nam (SEV) đi vào hoạt động được đặt tại Bắc Ninh.
Tivi 3D và smartphone dòng Galaxy trên hệ điều hành Android được chính thức ra mắt ở Việt Nam vào năm 2010. Tiếp đó, giới thiệu smart TV vào năm 2012, mở ra thời kỳ mới đối với các dòng LED TV. Tới năm 2014, SamSung Vietnam Electronics Thái Nguyên (SEVT) chính thức đi vào hoạt động. SamSung CE Complex (đặt ở khu công nghệ cao TP.HCM) cũng bắt đầu hoạt động 2 năm sau đó – 2016. Đến 2017, SamSung khánh thành EBC (Executive Briefing Center) cùng với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển.
Một số sản phẩm nổi bật của SamSung Việt Nam
Với hành trình hơn 8 thập kỷ phát triển, SamSung Việt Nam đã tung ra thị trường hàng nghìn sản phẩm với mẫu mã, chủng loại đa dạng với nhiều chức năng khác nhau phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong đó, có thể kể đến:
- Smartphone: một số loại như SamSung Galaxy, các dòng SamSung Galaxy Note và SamSung Galaxy Tab …
- Tivi gồm có : Smart TV, các dòng Full HD & HD TV. Ngoài ra còn có Crystal UHD, 4K và 8K TVs cùng với nhiều loại Phụ kiện TV
- Laptop, máy tính bàn SamSung
- Một số thiết bị điện tử nghe nhìn như: loa, tai nghe bluetooth
- Ngoài ra, SamSung còn cho ra mắt rất nhiều sản phẩm đồ gia dụng từ tủ lạnh, máy giặt đến máy hút bụi, dụng cụ bếp và máy điều hòa, làm sạch không khí.
Tổng quan các nhà máy SamSung Việt Nam
Hiện nay, SamSung đang ngày càng mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam về mảng sản xuất điện thoại di động.
Chi nhánh phụ trách các mảng Sale và Marketing của Samsung Vina Electronics được đặt tại tòa nhà Bitexco, TP. HCM. Nhà máy chuyên sản xuất thiết bị, linh – phụ kiện và phụ trách lắp ráp các thiết bị di động của Samsung là SEV – Samsung Electronics Việt Nam, đặt tại KCN Yên Phong 1, tỉnh Bắc Ninh. Nhà máy ở Thái Nguyên của Samsung Electronics Việt Nam được xây dựng ở KCN Yên Bình. Nhà máy này quy mô rất lớn với hơn 65.000 nhân viên và cũng chuyên sản xuất linh kiện cũng như lắp ráp thiết bị di động. Tổ hợp dây chuyền sản xuất hàng điện tử tiêu dùng của Samsung được đặt tại Khu Công nghệ cao TP. HCM là SEHC.
3. Mục tiêu phát triển của SamSung Việt Nam
Việt Nam hiện nay đã, đang và sẽ trở thành nơi hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của SamSung. Đáng nói nhất là việc xây dựng trung tâm R&D với quy mô lớn nhất Đông Nam Á ở khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội với mức vốn đầu tư lên tới hơn 220 triệu USD. Trung tâm này dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2022, quy mô ban đầu tối thiểu 3000 nhân lực. Bên cạnh việc nghiên cứu, thiết kế và phát triển các thiết bị di động, điện thoại thông minh, laptop, máy tính … trung tâm còn lên kế hoạch phát triển các công nghệ tiên tiến chưa từng có trong tương lai. Những kế hoạch này từng bước đưa nền công nghệ Việt Nam phát triển vượt bậc.
Chiến lược và mục tiêu phát triển của SamSung Việt Nam năm 2022
Ngoài trung tâm R&D quy mô lớn được xây dựng tại Hà Nội, SamSung còn tiến hành cải tổ một trung tâm nghiên cứu và phát triển khác tại Bắc Ninh là SDS R&D Vietnam chủ yếu nghiên cứu về lĩnh vực AI – trí tuệ nhân tạo cùng với việc phân tích dữ liệu, Deep Learning với mục tiêu gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. SDS có rất nhiều dự án hợp tác chiến lược cùng với Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC – một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu của nước ta.
Năm 2022 sắp tới cũng là năm mà SamSung đầu tư mạnh vào nguồn nhân lực trong mảng công nghệ cao. Mặc dù dịch Covid hoành hành trên toàn thế giới nói chung, SamSung vẫn tiếp tục rót vốn và mở rộng quy mô tại Việt Nam.
Lời kết
Việt Nam trở thành trụ cột phát triển sản xuất và R&D của SamSung bởi do Việt Nam là có nguồn nhân lực dồi dào, mức lương bình quân thấp. Hơn nữa, đất đai dồi dào, thích hợp để mở nhà máy, giá đất rẻ; nguồn nhân lực công nghệ cao của Việt Nam cũng được đánh giá tốt so với các nước khác trong khu vực; lại có vị trí địa lý thuận lợi, không quá xa trụ sở chính tại Hàn Quốc. Việc SamSung đầu tư, mở rộng quy mô tại Việt Nam vừa mang đến nhiều lợi nhuận cho họ, vừa giúp nền khoa học, kỹ thuật nước ta được cải thiện, tiến bộ hóa.
Hy vọng bài viết trên về lịch sử SamSung Việt Nam và sự phát triển của SamSung tại Việt Nam đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích.