Kinh tế Mỹ được rất nhiều người quan tâm bởi đây là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Vì vậy dù làm việc trong ngành nghề gì, chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi các chính sách kinh tế từ nước này. Cùng chúng tôi điểm qua những thông tin quan trọng của kinh tế Hoa Kỳ sau đây.
1. Giới thiệu kinh tế Mỹ
Kinh tế Mỹ là nền kinh tế lớn và quan trọng nhất trên thế giới. Kinh tế nước này chiếm khoảng 20% tổng sản lượng toàn cầu. Trong đó, khu vực dịch vụ công nghệ của Mỹ là phát triển rất cao, chiếm khoảng 80% sản lượng toàn kinh tế Mỹ.
Mặc dù lĩnh vực công nghệ, dịch vụ là động lực chính của nền kinh tế, nhưng Hoa Kỳ cũng có một cơ sở sản xuất vô cùng quan trọng, chiếm khoảng 15% sản lượng. Hoa Kỳ là nhà sản xuất lớn thứ hai trên thế giới và dẫn đầu trong các ngành công nghiệp có giá trị cao như ô tô, hàng không vũ trụ, máy móc, viễn thông và hóa chất. Trong khi đó, nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 2% sản lượng. Tuy nhiên, một lượng lớn đất canh tác, công nghệ canh tác tiên tiến và các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ khiến Mỹ trở thành nước xuất khẩu thực phẩm ròng và là nước xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới.
2. Các yếu tố góp phần
Nền kinh tế Hoa Kỳ duy trì được vị thế cường quốc của mình như vậy thông qua sự kết hợp của rất nhiều đặc điểm.
Đất nước này có khả năng tiếp cận với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào (vốn được thiên nhiên ưu ái) và cơ sở hạ tầng vật chất tinh vi (nên không cần phải khai thác thô quá đà như nhiều nước giàu tài nguyên, nghèo công nghệ khác).
Kinh tế Mỹ cũng có một lực lượng lao động lớn, được giáo dục tốt và năng suất cao từ nhiều nơi trên thế giới tụ tập về. Và quan trọng hơn nữa là vốn vật chất và con người được tận dụng tối đa trong môi trường kinh doanh theo định hướng và thị trường tự do.
Chính phủ và người dân Hoa Kỳ đều đóng góp vào môi trường kinh tế độc đáo này. Chính phủ cung cấp sự ổn định chính trị, một hệ thống luật pháp và một cơ cấu quản lý cho phép nền kinh tế Mỹ phát triển. Tăng trưởng kinh tế ở Hoa Kỳ liên tục được thúc đẩy bởi sự đổi mới liên tục, nghiên cứu và phát triển cũng như đầu tư vốn.
3. Cán cân thanh toán của Hoa Kỳ
Trong vài thập kỷ qua, cán cân tài khoản vãng lai trong nền kinh tế Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dòng chảy thương mại quốc tế, với thâm hụt thương mại liên tục dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai. Thu nhập từ tài sản và đầu tư của Mỹ ở nước ngoài chiếm một phần rất nhỏ trong tài khoản vãng lai và thặng dư trong danh mục này gần như không đủ để bù đắp thâm hụt thương mại lớn.
Nhìn chung, thâm hụt tài khoản vãng lai ngụ ý rằng giá trị của hàng hóa và dịch vụ được Hoa Kỳ mua từ nước ngoài vượt quá giá trị của hàng hóa và dịch vụ được bán cho người nước ngoài. Thâm hụt tài khoản vãng lai của kinh tế Mỹ tăng dần kể từ những năm 1990 và đạt mức kỷ lục mọi thời đại và mức cao nhất toàn cầu là 5,8% GDP vào năm 2006. Thâm hụt kể từ đó đến nay đã được thu hẹp một phần do sản lượng dầu trong nước tăng.
Người nước ngoài tiếp tục đầu tư vào các tài sản và công ty của Hoa Kỳ, và do đó, vị thế đầu tư quốc tế ròng của Hoa Kỳ đã tăng lên theo thời gian. Cho đến nay, Hoa Kỳ là nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu thế giới. Khoảng 80% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Hoa Kỳ đến từ nhóm 9 nước công nghiệp phát triển. Trong đó Anh, Nhật Bản và Hà Lan là những nguồn đầu tư FDI hàng đầu vào Hoa Kỳ. Lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ thu hút khoảng 40% vốn FDI.
4. Cơ cấu thương mại trong kinh tế Mỹ
Mỹ là nhà xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đứng thứ 2 trên thế giới và là nhà nhập khẩu hàng đầu. Mỹ liên tục nhập siêu, chủ yếu do phụ thuộc vào dầu nước ngoài để đáp ứng nhu cầu năng lượng và nhu cầu cao trong nước đối với hàng tiêu dùng được sản xuất ở nước ngoài.
Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong sản xuất dầu trong nước, khoảng cách năng lượng đang được thu hẹp. Các đối tác thương mại chính của Hoa Kỳ là Canada, Trung Quốc, Mexico và Nhật Bản. Canada là điểm đến chính cho hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ, còn Trung Quốc là nguồn nhập khẩu chính.
Kinh tế Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống thương mại quốc tế và thường được coi là đại diện đề xuất giảm các rào cản thương mại và các hiệp định thương mại tự do. Hoa Kỳ hiện có hơn 10 hiệp định thương mại tự do. Trong số đó có Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), được ra đời cùng với Canada và Mexico vào năm 1994. Hoa Kỳ cũng là một thành viên tích cực của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
5. Xuất khẩu trong kinh tế Mỹ
Mặc dù Hoa Kỳ đã mất một phần lợi thế cạnh tranh trong những thập kỷ gần đây, nhưng hàng hóa vật chất vẫn chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Hoa Kỳ chủ yếu xuất khẩu hàng hóa tư liệu sản xuất và hàng hóa có giá trị cao, bao gồm máy móc công nghiệp, máy bay, xe có động cơ và hóa chất.
Hoa Kỳ là nước xuất khẩu dịch vụ hàng đầu thế giới, bao gồm các dịch vụ tài chính và kinh doanh chuyên nghiệp cũng như các dịch vụ chuyên sâu khác về kiến thức. Du lịch, vận tải và dịch vụ du lịch cũng là một mặt hàng xuất khẩu lớn của Mỹ.
6. Nhập khẩu vào Hoa Kỳ
Hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu từ nước ngoài đến Hoa Kỳ là hàng hóa. Khoảng 15% hàng nhập khẩu này ở dạng dầu thô, dầu nhiên liệu và các sản phẩm dầu mỏ. Máy móc, vật tư và thiết bị công nghiệp chiếm 15% hàng hóa nhập khẩu khác. Gần 25% hàng hóa nhập khẩu là tư liệu sản xuất, chẳng hạn như máy tính, phụ kiện máy tính, điện tử, thiết bị y tế và thiết bị viễn thông. Hàng tiêu dùng chiếm 25% hàng nhập khẩu. Điện thoại di động, dược phẩm, đồ chơi, thiết bị gia dụng, hàng dệt, may mặc, ti vi và giày dép là những loại hàng tiêu dùng chính được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Thêm 15% hàng hóa nhập khẩu là xe ô tô, phụ tùng và động cơ. Thực phẩm và đồ uống chỉ chiếm khoảng 5% hàng hóa nhập khẩu. Dịch vụ chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu và chủ yếu là dịch vụ tài chính, cũng như du lịch và vận tải.
7. Chính sách tỷ giá hối đoái
Đồng đô la Mỹ thường được coi là tiền tệ của thế giới vì cho đến nay nó là loại tiền tệ được sử dụng nhiều nhất trong các giao dịch quốc tế, và cũng là đồng tiền dự trữ được nắm giữ rộng rãi nhất. Gần 2/3 dự trữ tiền tệ được nắm giữ trên toàn thế giới là bằng đô la Mỹ.
Mặc dù Bộ Tài chính Mỹ có thẩm quyền chính trong việc giám sát các vấn đề tài chính quốc tế, nhưng các quyết định của Bộ Tài chính liên quan đến ngoại hối được đưa ra với sự tham vấn của Cục Dự trữ Liên bang. Và sự can thiệp của Hoa Kỳ vào thị trường ngoại hối đang ngày càng trở nên ít hơn. Các nhà chức trách Hoa Kỳ thường để thị trường ngoại hối mở và các chính sách tiền tệ trong nước quyết định tỷ giá.
8. Kết
Kinh tế Mỹ luôn là mối quan tâm của rất nhiều người và rất nhiều quốc gia. Chúng tôi hy vọng với những thông tin căn bản trên, có thể giúp các bạn có thêm góc nhìn toàn cảnh hơn về nền kinh tế lớn nhất thế giới này.