Từ thuở hồng hoang đến nay, con người đã không ngừng đấu tranh và sáng tạo, góp phần xây dựng nên nền kinh tế văn minh, hiện đại như ngày nay. Sau đây là những phát minh quan trọng, vĩ đại của loài người chúng ta trong lịch sử kinh tế thế giới.
1. Kinh tế thế giới là gì?
Kinh tế thế giới là khái niệm chỉ sự bao quát hoạt động kinh tế của các khu vực, lãnh thổ trên toàn thế giới. Kinh tế thế giới bao gồm nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, chăn nuôi, du lịch, tiền tệ, đầu tư, thương mại, ngân hàng, vận tải,…
Mỗi một lĩnh vực đều có những cột mốc lịch sử phát triển riêng, dưới đây là top 6 phát minh quan trọng trong lịch sử kinh tế thế giới.
2. Nông nghiệp và chăn nuôi
Con người đã thực hiện quá trình chuyển đổi từ xã hội săn bắn hái lượm sang thuần hóa chăn nuôi và trồng trọt trong thời đại đồ đá mới, từ 13.000 đến 10.000 năm trước, quá trình này diễn ra đồng thời ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Sự phát triển này cho phép con người chuyên môn hóa và phân công lao động, hình thành các khu định cư lâu dài và các xã hội đông dân phức tạp mà chúng ta gọi là “các nền văn minh”.
Cả cây lương thực và cây lấy sợi đều được những người nông dân thời ấy trồng, bao gồm các loại ngũ cốc như gạo, lúa mạch, ngô, các loại đậu, khoai tây, bí, cây ăn quả, cây lấy dầu và bông. Khi họ bắt đầu lựa chọn hạt giống cây trồng tốt nhất để trồng vào các mùa tiếp theo (hoặc chọn cây non tốt nhất để chăm sóc cẩn thận), thì cây trồng ngày càng phát triển ổn định hơn, tốt hơn và đây là cột mốt đầu tiên của quá trình chọn lọc nhân tạo.
3. Công cụ và buôn bán vật liệu chế tạo công cụ
Con người là những người chế tạo công cụ và liên tục cải tiến, phát triển các công cụ sắc bén để săn, cắt gỗ,may da,… từ rất sớm trong lịch sử kinh tế thế giới của chúng ta. Nguyên liệu thô được đánh giá cao nhất để chế tạo các dụng cụ sắc bén là đá chert, đá lửa và obsidian – một loại thủy tinh núi lửa. Những chất này chỉ được tìm thấy ở một số vùng nhất định, và là những mặt hàng đầu tiên được giao thương giữa các nhóm dân cư tách biệt.
4. Thương mại hàng hóa
Các xã hội tiền sử đã phát triển các tuyến đường thương mại và buôn bán nhằm mục đích kiếm được những nguyên liệu thô, chủ yếu là đá obsidian, chert và đá lửa để chế tạo vũ khí săn bắn và dụng cụ sắc bén.
Với nông nghiệp và chăn nuôi, các công cụ chuyên dùng có thể được mua bán, cũng như các loài động vật được thuần hóa và hạt giống cây trồng có thể trao đổi được mở rộng ra rất nhiều.
Thông thường, tiền tệ được sử dụng cho các giao dịch này là các mặt hàng đặc sản mà các bộ lạc và nền văn hóa cụ thể sản xuất, và các nền văn hóa khác mong muốn. Đó có thể là bất cứ thứ gì, từ các tác phẩm nghệ thuật và đồ trang sức đến các thành phẩm như giỏ, đồ gốm, vải dệt từ sợi gai dầu, vải lanh hoặc len, và da / lông thú của động vật.
Ở nhiều nơi trên thế giới, các tuyến đường thương mại được phát triển đầu tiên dọc theo đường thủy và các vùng ven biển, nơi hàng hóa có thể được vận chuyển bằng tàu biển. Chẳng bao lâu sau, các trung tâm thương mại lớn được thành lập thu hút người mua và người bán từ các vùng xa xôi, từ đó truyền bá các tiện nghi văn hóa mà các nền văn hóa khác nhau đã phát triển và hoàn thiện.
Một tầng lớp thương gia nhanh chóng xuất hiện để phục vụ các thị trường thương mại sớm nhất (ở khoảng những năm 3.500 TCN). Những con tàu được thiết kế và chế tạo cho mục đích thương mại này đã đi ngang qua sông Danube, sông Nile, Biển Đen và các cảng biển Địa Trung Hải.
5. Tiền
Hàng đổi hàng là phương tiện trao đổi ban đầu giữa con người để lấy hàng hóa và dịch vụ. Vấn đề là không có giá trị thiết lập chung và mọi người thường không cùng ý kiến về những thứ có giá trị. Bên cạnh đó còn có một bất tiện là, trong khi trao đổi hàng hóa trực tiếp, việc mang theo một lượng muối, trà, thuốc lá hoặc hạt giống không thuận tiện cho lắm. Nhiều nền văn hóa nguyên thủy, bao gồm cả người Mỹ bản địa trước khi người châu Âu đến, đã sử dụng hạt, vỏ sò hoặc các vật phẩm khác để dùng như vật ngang giá chung, thay thế cho hàng hóa vật chất trong việc tiến hành thương mại.
Vào năm 700 TCN, người Lydians ở Tiểu Á (Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, giữa Địa Trung Hải và Biển Đen) là quốc gia phương Tây đầu tiên giới thiệu tiền xu. Cùng khoảng thời gian này, người Trung Quốc đã đúc tiền kim loại. Người Trung Quốc cũng phát minh ra khái niệm tiền tệ fiat (tiền pháp định) – loại tiền không được đảm bảo bởi các kim loại quý.
6. Ngân hàng trong lịch sử kinh tế thế giới
Các ngân hàng dường như đã phát sinh cùng lúc với các khoản tiền được thiết lập bởi các nền văn minh phức tạp. Đến thiên niên kỷ thứ 5 TCN, các thành phố ở Sumer (Lưỡng Hà) đã tổ chức một “ngân hàng” ở một ngôi đền trung tâm. Những kho lưu trữ dựa trên đền thờ này được gọi là nhà kho báu, hoặc kho bạc, nơi mà sự an toàn của của cải gửi được đảm bảo bởi các vị thần. Các nhà cai trị sau đó có thể sử dụng của cải ký quỹ để tài trợ cho các công trình công cộng, các lễ hội quan trọng và các chi phí khác nhau của chiến tranh.
Ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, những người cho vay tiền thuộc tầng lớp thương nhân không chỉ nhận tiền gửi, mà họ còn đổi một dạng tiền này sang dạng tiền khác. Bằng chứng về loại hoạt động này đã được tìm thấy trong cùng một khoảng thời gian ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Thực hành bảo đảm của cải vật chất trong các ngôi đền vẫn tiếp tục, vì những cơ sở này được coi là an toàn nhất trong thời cổ đại. Các tổ chức ngân hàng nhà nước không gắn liền với các ngôi đền đã xuất hiện lần đầu tiên ở Ai Cập trong thời kỳ trị vì của vua Ptolemies.
7. Sao chép hồ sơ bằng văn bản
Các bản ghi chép bằng chữ viết và số lần đầu tiên được phát triển ở Lưỡng Hà cổ đại vào thiên niên kỷ thứ tư TCN. Các bản này đã sử dụng những viên đất sét mà trên đó có các chữ cái, chữ tượng hình hoặc chữ viết hình nêm và sau đó đất sét được nung để bảo quản.
Để đảm bảo rằng các bên tham gia giao dịch đều có “bản sao” có thể xác nhận hồ sơ gốc, các bản ghi chép này được sao chép thủ công thành một bản duy nhất tại, sau đó được đập vỡ và đưa cho mỗi của những người liên quan một mảnh. Nếu xảy ra tranh chấp, hai bên có thể xuất trình cho người giải quyết các phần mảnh vỡ của họ, và nếu chúng khớp chính xác với nhau thì chúng được coi là nguyên bản. Ở Trung Quốc, quy trình xác thực tương tự cũng được thực hiện bằng cách bẻ khúc tre khắc chữ và nhuộm màu thành hai khúc, nếu 2 khúc khớp với nhau sẽ xác định được giá trị của bản gốc.
Những người chép bản thao khi ấy cũng phát triển “con dấu” hình trụ tròn với các biểu tượng thiết kế của riêng họ. Sự đổi mới này sớm được mở rộng với mục đích sản xuất hàng loạt các bản sao của các tài liệu quan trọng. Và chính xác thì ứng dụng “con dấu” này vẫn được sử dụng đến tận ngày nay.
8. Kết
Mỗi một phát minh của con người cổ đại này đã được phát triển và hoàn thiện hơn nữa thành các thể chế kinh tế và kỹ thuật công nghệ mà chúng ta công nhận ngày nay. Chúng ta cũng đang là một phần trong dòng chảy lịch sử kinh tế thế giới, chính vì thế những nỗ lực phát triển kinh tế, sáng tạo công nghệ của chúng ta ngày hôm nay chắc chắn sẽ tác động đến tương lai.