Lý thuyết cung cầu trong kinh tế học được sử dụng để xác định giá của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Hiểu các nguyên tắc đằng sau lý thuyết này sẽ giúp bạn hiểu về cách hoạt động của thị trường. Cùng chúng tôi thảo luận về định nghĩa lý thuyết và các yếu tố ảnh hưởng nhé.
1. Lý thuyết cung cầu là gì?
Lý thuyết cung cầu đề cập đến mối quan hệ kinh tế giữa người bán và người mua. Lý thuyết cho rằng giá của một sản phẩm phụ thuộc vào tính sẵn có của nó và nhu cầu của người mua. Nếu sản phẩm có giá cao, người bán sẽ cung cấp ra thị trường nhiều hơn và ngược lại.
Tuy nhiên, việc giữ giá cao có thể có tác động tiêu cực đến cách người mua nghĩ về sản phẩm. Nếu người mua không nghĩ rằng sản phẩm xứng đáng với mức giá cao đó, họ có thể bắt đầu chọn một sản phẩm khác với mức giá tốt hơn. Nói chung giá cao hơn có thể dẫn đến nhu cầu thấp hơn, dẫn đến giảm cung. Và ngược lại, nếu giá giảm dẫn đến nhu cầu cao hơn, dẫn đến tăng cung. Khi đạt đến ngưỡng cung nhất định không tăng nữa, hàng hóa sẽ tăng giá và lượng cầu bắt đầu giảm, cho đến khi cung – cầu đạt được ngưỡng cân bằng.
Để hiểu rõ hơn về lý thuyết cung – cầu này, chúng ta cùng tìm hiểu rõ vào thành phần cung – cầu của nó trong phần sau đây.
2. Cung là gì?
Cung là mối quan hệ giữa giá cả của sản phẩm, dịch vụ và sự sẵn có của chúng trên thị trường. Nếu giá tăng và ở mức cao, người bán sẽ cung cấp sản phẩm với số lượng lớn hơn để kiếm lời. Cung phụ thuộc vào nhu cầu và sự thay đổi giá cả, nó nhanh chóng điều chỉnh theo những thay đổi này. Những thay đổi về nhu cầu và giá cả có thể theo mùa, tạm thời hoặc vĩnh viễn, và người bán phải điều chỉnh nguồn cung của họ cho phù hợp.
Trong lý thuyết cung cầu, các yếu tố sau có thể ảnh hưởng đến nguồn cung:
- Năng lực sản xuất: Năng lực sản xuất là đầu ra của sản phẩm so với đầu vào của tài nguyên. Nếu nhu cầu thị trường tăng lên, nhà sản xuất sẽ tăng năng lực sản xuất để cung cấp nhiều nguồn cung hơn.
- Chi phí sản xuất: Chi phí sản xuất là các chi phí sản xuất như nguyên vật liệu, lương nhân viên và các tiện ích như điện và nước. Nếu chi phí sản xuất cao, giá thị trường của sản phẩm sẽ tăng lên. Nếu thị trường có thể duy trì mức giá cao, nguồn cung sẽ tăng lên. Nếu không thể duy trì, nguồn cung sẽ giảm.
- Đối thủ cạnh tranh: Đối thủ cạnh tranh là bất kỳ công ty nào sản xuất cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ trong một phạm vi giá tương tự. Các đối thủ cạnh tranh có thể gây khó khăn cho một công ty trong việc tiếp tục sản xuất nguồn cung sản phẩm với giá hợp lý nếu người tiêu dùng lựa chọn các giải pháp thay thế. Họ có thể giảm sản lượng hoặc đa dạng hóa sang các hàng hóa khác để có được kết quả thị trường tốt hơn.
- Sự sẵn có của vật liệu: Sự sẵn có của các nguyên liệu thô rẻ tiền có thể giúp tăng sản lượng và cung cấp sản phẩm. Nếu nguyên liệu thô không có sẵn hoặc quá đắt, sản lượng sẽ giảm và dẫn đến nguồn cung cấp cho thị trường thấp hơn.
- Chuỗi cung ứng: Nhà sản xuất cần có một chuỗi cung ứng được quản lý tốt, giá cả phải chăng và hoạt động trơn tru ở mọi giai đoạn của quá trình sản xuất, từ thu mua nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm cho đến khi chuyển chúng vào giai đoạn thị trường. Chuỗi cung ứng tốt sẽ đảm bảo người sản xuất cung cấp cho thị trường hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
3. Cầu là gì?
Cầu đề cập đến số lượng hàng hóa mà người tiêu dùng muốn mua và có khả năng mua được ở một số mức giá. Tại thời điểm giá nhất định, nhu cầu về hàng hóa sẽ được nhất quán giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, nếu giá vượt điểm đó, người mua sẽ thấy sản phẩm quá đắt và nhu cầu đối với chúng sẽ giảm xuống.
Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu trong lý thuyết cung cầu:
- Giá sản phẩm: Khi giá của một hàng hóa tăng lên, nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa đó giảm xuống. Mọi người sẽ mua ít hàng hóa đắt tiền hơn và tìm kiếm xung quanh thị trường để xem các lựa chọn khác ít tốn kém hơn.
- Thu nhập của người mua: Thu nhập của người mua sẽ quyết định khả năng mua của họ và nhu cầu về một sản phẩm. Thu nhập tăng sẽ dẫn đến khả năng mua cao hơn và nhu cầu tăng lên, trong khi thu nhập giảm sẽ làm giảm khả năng mua và cầu. Cũng có mối tương quan giữa thu nhập và chất lượng hàng hóa. Khi thu nhập người mua tăng lên, nhu cầu về hàng hóa có chất lượng sẽ tăng và hàng hóa kém chất lượng hơn sẽ giảm. Và ngược lại.
- Sở thích của người mua: Những thay đổi trong xu hướng ảnh hưởng đến sở thích của người mua đối với một sản phẩm. Phong tục và thói quen xã hội cũng vậy.
- Kỳ vọng của người mua: Nhu cầu về một sản phẩm có thể tăng lên nếu người mua nghĩ rằng nó sẽ khan hiếm, không có sẵn hoặc đắt hơn trong tương lai gần. Theo kỳ vọng của họ, họ sẽ mua và dự trữ nhiều hơn trong thời điểm hiện tại. Do đó, có một mối liên hệ nhất định giữa nhu cầu hiện tại và giá cả trong tương lai.
- Sản phẩm thay thế có sẵn: Trong trong lý thuyết cung cầu, nếu một hàng hóa cụ thể trở nên đắt hơn, nhu cầu về hàng hóa thay thế sẽ tăng lên. Ví dụ, nếu bạn luôn mua một loại ngũ cốc cụ thể A và giá của nó tăng lên đến mức không thể mua được, bạn có thể bắt đầu mua một loại ngũ cốc tương tự tên B, nhưng rẻ hơn. Do đó, nhu cầu về loại ngũ cốc có sẵn và rẻ hơn tên B đó sẽ tăng lên.
- Sản phẩm bổ sung: Với các sản phẩm bổ sung, việc tăng giá của sản phẩm này có thể làm giảm nhu cầu đối với sản phẩm kia. Đó là bởi vì việc tăng giá sẽ gây khó khăn cho việc sử dụng cả hai sản phẩm cùng nhau. Ví dụ, nếu giá của hộp mực in tăng theo cấp số nhân, thì việc sử dụng máy in sẽ rất tốn kém và nhu cầu về máy in sẽ giảm xuống.
- Quy mô thị trường: Quy mô của thị trường xác định số lượng người mua các sản phẩm có sẵn. Nếu quy mô thị trường nhỏ, sẽ có ít người mua và nhu cầu về hàng hóa sẽ thấp. Khi quy mô thị trường mở rộng, sẽ có nhiều người mua sản phẩm hơn và nhu cầu về chúng sẽ tăng lên.
4. Giá cân bằng trong lý thuyết cung cầu
Giá cân bằng là điểm mà đường cung và đường cầu gặp nhau trên đồ thị cung – cầu sau khi đã chịu các tác động nói trên.
Mức giá cân bằng là mức giá mà cả người sản xuất và người mua đều thấy hợp lý và có lợi. Ở mức giá này, người sản xuất có thể làm ra bao nhiêu sản phẩm tùy thích và người mua có thể mua tất cả những sản phẩm mà họ mong muốn. Nhiều công ty tạo ra các biểu đồ cung và cầu để xác định họ nên sản xuất bao nhiêu sản phẩm và ở mức giá nào.
5. Kết
Chúng ta vừa tìm hiểu xong trong lý thuyết cung cầu – một trong những lý thuyết căn bản và quan trọng nhất của thị trường. Cung có thể chịu nhiều tác động của năng lực sản xuất, chi phí sản xuất, đối thủ cạnh tranh, sự sẵn có của vật liệu và chuỗi cung ứng. Còn cầu chịu tác động của giá sản phẩm, thu nhập, sở thích của người mua, kỳ vọng của người mua, sản phẩm thay thế có sẵn, sản phẩm bổ sung và quy mô thị trường. Khi cung và cầu gặp nhau, đó chính là điểm cân bằng trong lý thuyết cung cầu.