Pecking order theory là gì và nó có vai trò như thế nào trong việc cấp vốn cho các hoạt động của công ty? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp cặn kẽ trong bài viết sau. Cùng với ví dụ thực tế, hy vọng bài viết sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời.
1. Pecking order theory là gì?
1.1 Khái niệm
Pecking order theory (Lý thuyết trật tự phân hạng) là khi các nhà quản lý phân bổ chi phí cho hoạt động của công ty dựa trên một hệ thống phân cấp. Trước tiên là sử dụng lợi nhuận giữ lại (tài trợ nội bộ), tiếp đến là tài trợ bằng nợ và sau cùng là vốn chủ sở hữu.
Trong tài chính công ty, Pecking order theory được sử dụng để giúp giải thích cách các công ty quyết định nguồn chi tài chính. Và do đó nó giúp đưa ra được phương án để tối ưu cấu trúc vốn, hoặc cân bằng giữa nợ và vốn chủ sở hữu.
1.2 Nguồn gốc Pecking order theory
Pecking order theory lần đầu tiên được Donaldson đề xuất vào năm 1961 và nó được Stewart C. Myers và Nicolas Majluf sửa đổi vào năm 1984.
Với Pecking order, họ lập luận rằng vốn chủ sở hữu bị hạn chế sử dụng hơn trong huy động vốn. Bởi vì khi các nhà quản lý (những người được cho là biết rõ hơn về tình trạng thực sự của công ty hơn các nhà đầu tư) sử dụng vốn chủ sở hữu, các nhà đầu tư sẽ cho rằng công ty được định giá quá cao và công ty đang lợi dụng việc định giá quá cao này. Do đó, các nhà đầu tư sẽ đặt giá trị thấp hơn cho đợt phát hành cổ phiếu mới.
1.3 Nội dung của Pecking order theory
Tài trợ nội bộ (internal financing) là lựa chọn đầu tiên trong Pecking order theory vì không có thêm chi phí liên quan đến việc sử dụng nó. Nếu một công ty chỉ sử dụng lợi nhuận giữ lại (retained earnings) để chi, thì không có chi phí nợ hoặc chi phí vốn chủ sở hữu nào được tính đến.
Tài trợ bằng nợ (debt financing) đứng thứ hai do các khoản thanh toán lãi vay liên quan đến việc sử dụng vốn vay. Cho dù công ty quyết định vay vốn kinh doanh hay phát hành trái phiếu công ty, họ sẽ phải trả một số lãi suất, khiến chi phí nợ cao hơn chi phí không tồn tại của việc sử dụng lợi nhuận giữ lại.
Tài trợ bằng vốn chủ sở hữu (equity financing) đứng cuối cùng trong Pecking order theory, do nó là phương án tài trợ “đắt tiền” nhất. Chi phí vốn cổ phần – ví dụ, cổ phiếu – cao hơn chi phí vay nợ.
Việc phát hành cổ phiếu có thể cho thấy ban lãnh đạo của một công ty tin rằng cổ phiếu được định giá quá cao – một tín hiệu cho các nhà đầu tư rằng họ có thể gặp khó khăn và giá cổ phiếu của họ có thể sắp giảm.
Đây là một trường hợp thông tin bất cân xứng (asymmetric information) mà nó sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến Pecking order theory. Còn việc ảnh hưởng thế nào sẽ được đề cập đến trong phần tiếp theo đây.
2. Thông tin bất cân xứng ảnh hưởng như thế nào đến Pecking order theory
Thông tin bất cân xứng (asymmetric information) được sử dụng để mô tả tình huống giữa hai bên trong một giao dịch kinh tế mà một bên có nhiều thông tin hơn hoặc tốt hơn bên kia.
Mặc dù bạn có thể giải thích Pecking order theory về mức chi phí của từng loại tài chính. Nhưng để thực sự hiểu nó, thì trước hết bạn phải hiểu thông tin bất cân xứng gây ra sự khác biệt về chi phí như thế nào.
Thu nhập giữ lại (Retained earnings) là hình thức tài trợ ít bất cân xứng nhất – khó mà có sự sai lệch trong cùng nội bộ công ty được. Vì vậy không có rủi ro nào liên quan đến việc sử dụng các nguồn tài chính nội bộ đó.
Tiếp theo là tài trợ bên ngoài — đầu tiên là tài trợ bằng nợ, sau đó là tài trợ vốn cổ phần. Các nhà đầu tư bằng nợ không biết chính xác mọi thứ đang diễn ra trong công ty, nhưng họ có thể khá chắc chắn rằng mình sẽ được hoàn vốn. Do đó, họ ít gặp rủi ro hơn so với các nhà đầu tư cổ phần (việc phát hành thêm vốn cổ phần không phải là một phương án tốt vì nó khiến cổ phiếu công ty bị định giá quá cao).
Các nhà đầu tư mong đợi một tỷ suất sinh lợi cao hơn dựa trên nhiều thông tin bất cân xứng hơn. Thông tin ít hơn có nghĩa là rủi ro cao hơn và khi rủi ro cao hơn, kỳ vọng rằng lợi nhuận thu được cũng cao hơn.
3. Vai trò của Pecking order theory
Pecking order theory đóng vai trò rất quan trọng vì nó báo hiệu cho biết công ty đang hoạt động như thế nào. Nếu một công ty tự tài trợ nội bộ, điều đó có nghĩa là nó rất mạnh. Nếu một công ty tự tài trợ cho mình thông qua nợ, đó là một tín hiệu cho thấy ban lãnh đạo tin tưởng rằng công ty có đủ khả năng đáp ứng các khoản phải trả hàng tháng của mình.
Nếu một công ty tự cung cấp tài chính thông qua việc phát hành cổ phiếu mới, đó thường là một tín hiệu tiêu cực, vì công ty cho rằng cổ phiếu của mình được định giá quá cao và họ tìm cách kiếm tiền trước khi giá cổ phiếu giảm.
4. Ví dụ về Pecking order theory
Hãy tưởng tượng bạn là một giám đốc của một công ty. Chịu trách nhiệm quyết định về phương án cấp vốn cho một dự án mới. Bạn đã tính toán các chi phí và bạn sẽ cần 1 tỷ để đưa ý tưởng này vào hoạt động.
Nếu bạn có 1 tỷ thu nhập giữ lại, bạn có thể cấp vốn cho dự án này chỉ bằng cách sử dụng nguồn tài chính nội bộ. Chúc mừng! Bạn không cần phải tìm kiếm bất kỳ nguồn tài chính bên ngoài nào.
Giả sử bạn không có đủ thu nhập giữ lại để sử dụng nó cho dự án này. Phương án tiếp theo của bạn theo Pecking order theory sẽ là tìm cách vay nợ. Nếu bạn vay 1 tỷ từ một ngân hàng với lãi suất 5%, thì cuối cùng bạn sẽ phải trả 50 triệu tiền lãi, hay tổng cộng là 1.050.000.000 đồng. Rõ ràng, điều này không lý tưởng hơn khi chỉ đơn giản là chi 1 tỷ từ nguồn tài chính nội bộ của bạn.
Phương án sau cùng là vốn chủ sở hữu. Với tư cách là người quản lý công ty, bạn có thể kết luận rằng việc vay nợ không phải là lý tưởng vì bạn không thể chắc chắn rằng công ty của mình sẽ có thể trả lại số tiền đã vay.
Một phương án khác được đề ra là để có được 1 tỷ đó, bạn cần sử dụng nguồn vốn cổ phần và sẽ phải bán đi một số cổ phiếu.
Nếu giá cổ phiếu của công ty bạn là 10.000 đồng, bạn cần bán 100.000 cổ phiếu để thu được 1 tỷ vốn nợ. Tuy nhiên, điều này sẽ làm giảm giá cổ phiếu của bạn, giả sử là 1000 đồng trên mỗi cổ phiếu, khiến mỗi cổ phiếu có giá 9000 đồng. Điều đó có nghĩa là bạn đang thực sự bỏ thêm 1000 đồng cho mỗi cổ phiếu. 100.000 cổ phiếu tức là 100.000.000 đồng.
Khi bạn bán 100.000 cổ phiếu đó. Bạn sẽ nhận được 1 tỷ ngay lập tức nhưng cuối cùng phải trả tổng cộng 1,1 tỷ khi tính vào chi phí vốn chủ sở hữu.
5. Tổng kết
Tổng kết lại: Pecking order theory liên quan đến cấu trúc vốn của một công ty trong đó nó giúp giải thích lý do tại sao các công ty thích tài trợ cho các dự án đầu tư bằng nguồn vốn nội bộ trước, nợ sau và sau cùng mới đến vốn chủ sở hữu.
Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được câu hỏi Pecking order là gì và hiểu được vai trò, cách vận dụng nó trở thành một giải pháp để sử dụng vốn của công ty.
.